Truyền thuyết kể lại rằng, con người sẽ đảm nhận việc xây dựng nhà thờ Lalibela vào ban ngày, còn các Thiên thần sẽ giúp sức vào ban đêm.
Kiến trúc nhà thờ trong lòng đá ở thị trấn nhỏ Lalibela là minh chứng độc đáo nhất về các nét văn hóa đặc biệt của Ethiopia - đất nước đa sắc tộc với nhiều truyền thống đặc sắc, kỳ lạ.
Thị trấn Lalibela nằm ở độ cao gần 2.500 m so với mặt nước biển trên vùng cao nguyên Ethiopia. Xung quanh thị trấn là những vùng núi đá và khô cằn. Vua Lalibela (trị vì từ năm 1187 đến năm 1221) là người sùng đạo. Với hy vọng xây dựng thị trấn thành như Jerusalem - nơi vang danh về tinh thần tôn giáo lẫn kiến trúc, ông đã sáng lập ra kiểu kiến trúc lạ nhằm tạo ra một thánh địa mang biểu tượng linh thiêng. Tại nơi đây, vào thế kỷ XIII, những tín đồ sùng đạo Thiên Chúa bắt đầu đục đẽo những khối đá núi lửa màu đỏ để "xây" lên 13 nhà thờ.
4 trong số những nhà thờ đó được hoàn thiện đứng độc lập với khối đá, và chỉ phần nền móng còn gắn liền với khối đá mẹ này. 9 nhà thờ còn lại vẫn gắn liền với đá và chỉ có bề mặt được "giải phóng". Các công trình đầy sáng tạo đã biến thị trấn miền núi Lalibela thành nơi hành hương đầy tự hào của các tín đồ Cơ đốc giáo Ethiopia.
Dù phải vượt qua chặng đường gian khó, nhưng nhiều người vẫn tìm đến đây để chứng kiến các cấu trúc hùng vĩ, họ còn hôn lên các bức tường đá lâu đời, hoặc lặng lẽ cầu nguyện đọc các bài kinh nhằm tỏ lòng tin với tôn giáo và hy vọng gia đình sẽ được ban phước lành.
Có khá nhiều câu chuyện được đồn thổi xung quanh việc xây dựng nhà thờ đá này. Trong đó có truyền thuyết kể lại rằng, con người sẽ đảm nhận việc xây dựng nhà thờ đá vào ban ngày, còn các Thiên thần sẽ giúp sức đẩy nhanh tiến độ vào ban đêm.
Thánh George chính là người giám sát công việc của những Thiên thần đó, vì thế công việc xây dựng Lalibela được hoàn thành với tốc độ nhanh chóng trong khoảng 23 năm, và nhà thờ còn được biết với cái tên khác là nhà thờ Thánh George.
11 nhà thờ đá nham thạch chia làm ba cụm, hòa hợp với nhau tạo nên một quần thể kiến trúc tổng thể, nối với nhau bằng các địa đạo và hành lang. Thánh đường sâu 7 - 12 m trong ngọn núi nên ban đầu công việc thi công rất khó khăn. Đầu tiên, những người tham gia thực hiện công trình phải tìm các phiến đá nham thạch lớn, không có vết nứt, loại bỏ đất đá mềm trên bề mặt rồi tách rời khỏi núi. Sau đó, từ những phiến đá lớn này, người ta mới đục đẽo nên tường, trần, cửa, cột trụ.
Được xây dựng theo hình chữ thập, ô cửa sổ điêu khắc tinh xảo, nhà thờ Thánh George có một hệ thống phức tạp các cống rãnh thoát nước, đường hầm, lối đi ngầm cùng nhiều công trình ngầm dưới lòng đất và trong vách đá. Khi Mặt trời xuống dần, nhà thờ hiện lên màu hồng rồi chuyển sang vàng và xanh rêu trước khi bóng tối bao trùm.
Nhờ kiến trúc ấn tượng và những ảnh hưởng của Kitô giáo nên nhà thờ này được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1978. 5 năm trước, UNESCO quyết định cho dựng các tấm phủ để bảo vệ một phần của công trình này. Theo các chuyên gia, việc này có thể sẽ khó coi nhưng quan trọng cho việc bảo vệ nhà thờ nguyên vẹn. Trong tương lai, Ethiopia sẽ tiếp tục thực hiện những thay đổi có tính tích cực, nhằm trở thành một địa điểm linh thiêng cho các tín đồ, nơi mà có thể cảm nhận được hơi thở cuộc sống qua các bức tường đá cổ xưa.
- Theo Trí thức trẻ -
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét